Giải mã lạc rang húng lìu

bởi Candy

Chào cả nhà,

Đôi khi tìm hiểu nấu một món ăn nào đó cũng có thể giúp tớ tìm hiểu thêm được rất nhiều điều mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ mình nghĩ tới. Ví dụ như lần trước khi giới thiệu mấy món như thịt heo quay, hay thịt xá xíu thì có người có thắc  mắc ngũ vị hương (five-spice powder) có phải là húng lìu hay không? Tớ cũng đi hỏi và tự tìm hiểu thêm thì câu trả lời được đưa ra là hai loại gia vị hơi khác nhau một chút nhưng về cơ bản lại khá giống nhau.

Ngũ vị hương (five-spice powder) có lẽ được dùng phổ biến hơn húng lìu và đặc biệt là ở nước ngoài thì bạn hầu  như chỉ có thể tìm được ngũ vị hương. Ngũ vị hương là một hỗn hợp gia vị rất hay được sử dụng trong nấu ăn, đặc biệt là các món ăn của người Trung Quốc và vì ẩm thực của Việt Nam mình cũng ảnh hưởng không ít từ nền văn hóa ẩm thực Trung Quốc nên việc sử dụng ngũ vị hương là rất phổ biến. Theo Wikipedia thì ngũ vị hương gồm năm vị cơ bản: mặn, ngọt, chua, cay và đắng. Vì thế nên mới có tên là Ngũ vị hương. Cách pha chế ngũ vị hương cũng không đồng nhất và nó phụ thuộc vào loại mình mua. Thông thường thì ngũ vị hương được đóng gói sẵn sẽ gồm có: đại hồi, tiểu hồi, đinh hương, thảo quả, quế, và có thêm một số gia vị khác như ngọc khấu, hồ tiêu, trần bì (vỏ quýt); hạt ngò etc. Tất cả sẽ được nghiền thành bột và trộn với tỉ lệ khác nhau.

Húng lìu thì cách trộn gia vị khác hơn một chút nhưng về cơ bản tớ thấy cũng vấn là: quế, hồi, thảo quả, thảo dược etc. Tùy thuốc vào tỉ lệ và cách trộn của loại húng lìu bạn mua thì cũng khác nhau. Theo kí ức về húng lìu và khi sử dụng nhiều ngũ vị hương thì tớ thấy mùi vị khá giống nhau vì chủ yếu tớ nhận diện ra được mấy mùi cơ bản là quế, hồi, thảo quả. Còn lại sự khác biệt lớn giữa hai cái thì tớ không thấy là bao. Tuy vậy, có dịp có người từ Việt Nam sang, tớ nhờ mẹ tớ gửi cho ít húng lìu và ngũ vị hương mua đúng ở Việt Nam (để tránh tình trạng tớ mua loại bên này dùng thì là của người Trung Quốc) để so sánh. Sau khi sử dụng hai loại song song với nhau thì tớ có thấy được sự khác biệt rất nhỏ giữa ngũ vị hương và húng lìu. Tuy nhiên, theo tớ là hai loại gia vị này hoàn toàn có thể thay thế cho nhau. Thậm chí, tớ còn có cảm giác ngũ vị hương mùi vị có vẻ thơm hơn do các hương liệu gia giảm trong đó có thể nhiều hơn húng lìu.

Mải nói về ngũ vị hương với húng lìu mà quên mất chưa nói với cả nhà, hôm nay tớ xin được giới thiệu một món ăn chơi hoặc có thể coi là một món ăn nhậu rất Hà Nội: lạc rang húng lìu. Chính vì thành phần và cái tên của món lạc rang này nên tớ mới phải tìm hiểu rất kĩ về húng lìu và ngũ vị hương. Tớ đã sử dụng cả hai trong món lạc rang này và kết quả cho thấy, tớ thích mùi lạc rang sử dụng ngũ vị hương nhiều hơn.

Lạc rang húng lìu - Món ăn chơi/ nhậu rất Hà Nội

Lạc rang húng lìu – Món ăn chơi/ nhậu rất Hà Nội

Lúc đầu khi tìm hiểu cách làm lạc rang húng lìu thì thành phần nguyên liệu khá đơn giản nhưng lại đưa ra nhiều câu hỏi cho tớ rất nhiều. Sau khi đã có được câu trả lời đầu tiên của một trong những thành phần chính là húng lìu hay ngũ vị hương thì tớ lại tiếp tục đi tới câu hỏi thứ hai: đường hóa học trong lạc rang húng lìu? Qua tìm hiểu thì món lạc rang húng lìu này muốn lạc rang không cháy thì nhất định phải sử dụng đường hóa học. Vậy đường hóa học là gì và có thể mua nó ở đâu (nhất là ở bên Mỹ này)? Và đường hóa học có hại hay không?

Với tớ, trong tiềm thức từ trước tới nay thì đường hóa học luôn là loại đường không tốt cho sức khỏe. Hồi còn nhỏ, lúc nào ăn gì ngoài đường tớ đều nhớ bị mẹ tớ nói: “Ăn nhiều kem đấy á, toàn đường hóa học đấy. Rồi ăn xong là bị bênh đấy nhé!” Thế là từ bé với tớ đường hóa học là loại đường không tốt và tốt nhất là nên tránh xa :-ss…

Lý do tại sao phải dùng đường hóa học trong lạc rang húng lìu là vì đường hóa học khi rang không bị chảy và cháy như đường thông thường. Sau khi lí giải được điều đó thì tớ nghĩ tới việc thay thế đường hóa học trong món lạc rang húng lìu này. Điều tớ nghĩ ngay tới và rất dễ kiếm ở bên Mỹ là chất làm ngọt dành cho những người muốn giảm béo (sweetener/ sugar substitute). Thế là lại lao vào tìm hiểu xem chất sweetener là gì vì vốn tớ chẳng bao giờ dùng và cũng không thích vị ngọt của chất làm ngọt đó mấy. Trời ơi, hóa ra đó chính là đường hóa học T_T … Thế là nhận thức từ thời thơ bé rằng đường hóa học là thứ đường rất ngọt và cực hại có vẻ bị lung lay vì đường hóa học lại chính là thứ mà người ta gọi là chất làm ngọt để giúp cho người giảm béo hay bị tiểu đường. Vậy phải chăng đường hóa học cũng không xấu tới vậy?

Đọc kĩ và tìm hiểu thêm về đường hóa học thì đó là các loại chất hóa học tổng hợp có vị ngọt như đường. Có loại ngọt hơn đường rất nhiều và có loại bớt ngọt hơn đường một chút. Nhưng tin tớ đi, bạn hãy thử uống các sản phẩm coke hay pepsi dành cho người giảm cân (diet) và so sánh với vị ngọt của vị thông thường thì bạn sẽ có ngay cảm nhận khác biệt giữa đường hóa học và đường thường. Vấn đề là những chất này vẫn được sử dụng khá phổ biến trong ngành thực phẩm vì thế nó đã thay đổi suy nghĩ của tớ. Tất nhiên đó phải là những chất được cho phép sử dụng và cũng nên sử dụng hạn chế chứ không nên quá lạm dụng.

Thế là tớ chạy ngay ra siêu thị mua thử một gói “đường hóa học” sweetener về và đọc thêm thì có một số loại đường hóa học rất phổ biến. Và có lẽ phổ biến nhất ở Mỹ là loại đường có tên Saccharin. Cũng có thời gian những loại đường này bị cấm sử dụng ở Mỹ vì lý do gây hại cho sức khỏe nhưng rồi lệnh cấm lại được bãi bỏ và đường hóa học có hại hay không có hại có lẽ vẫn là một cuộc tranh cãi chưa có hồi kết. Theo cá nhân tớ thì cái gì cũng có mặt hại mặt lợi, kể cả là ăn một thức ăn tự nhiên. Ăn nhiều hay sử nhiều bất cứ cái gì dù tốt mấy cũng có thể gây hại thôi. Vì thế, sử dụng một chút chất sweetener trong món lạc rang húng lìu theo tớ là không có hại đến như vậy ;) Và nhất là lâu lâu mình mới ăn thì lại càng không có lý do gì để thử.

Nghĩ như vậy, tớ bắt tay ngay vào làm thử món lạc rang húng lìu. Như vậy, các thắc mắc về nguyên liệu làm lạc rang húng lìu đã được tháo bỏ. Nhưng câu hỏi nữa đặt ra là cách làm hay cách rang lạc cũng là vấn đề. Ở Việt Nam, những nhà làm lạc rang húng lìu gia truyền họ đều giữ cách rang lạc bằng củi, dùng chảo lớn và dùng cát rang cùng. Cát nóng giữ nhiệt rất tốt sẽ bao quay hạt lạc và làm cho hạt lạc chín đều từ từ và giữ được độ giòn của lạc. Ai có điều kiện rang lạc bằng cát thì sẽ không lo lạc bị cháy hay gì cả. Nhưng tại sao khi rang lạc khô bình thường như để làm muối lạc thì tớ vẫn có thể rang không dùng cát mà lạc vẫn giòn, không bị cháy?

Lý do này cũng được giải đáp khi tớ bắt tay vào làm món lạc rang húng lìu. Để lạc có thể thấm gia vị đường, muối và húng lìu/ ngũ vị hương thì mình trần lạc qua nước sôi để lạc nở một chút rồi mới trộn gia vị. Như vậy, lạc không còn khô nữa mà có một lượng nước nhất định (dù mình đã để ráo rồi mới rang). Tớ thử rang lạc theo cách thông thường thì cách này không sử dụng được với lạc đã được trần qua nước sôi. Bên này kiếm ra cát chắc cũng là bài toán lớn với tớ. Có người nói sử dụng muối thay cho cát vì muối cũng giữ nhiệt nhưng muối bên này toàn muối tinh chứ không có muối hạt to như ở nhà. Vậy giờ phải làm sao? Ta đa, mình có lò nướng mà keke … Tớ nghĩ ngay tới lò nướng vì lò nướng có thể sấy được thịt bò khô và mình có thể để ở lửa nhỏ để thức ăn khô từ từ.

Và cuối cùng, vâng thưa cả nhà, tớ đã thành công với món lạc rang húng lìu này sao bao nhiêu ngày tìm hiểu ^^ Niềm vui nhân đôi, à không nhân nhiều lần lắm vì kiến thức có được qua món lạc rang húng lìu này là không kể hết ;)

  1. Nguyên liệu:
  • 1 ½ cups lạc sống (raw peanuts) (khoảng 150 grams)
  • 3 Tablespoons nước lọc (45 ml)
  • 3 grams đường sweetener (3 gói 1 grams)
  • 1 teaspoon húng lìu hoặc ngũ vị hương (five-spice powder)
  • Một chút muối (ai không thích có tí vị mặn thì có thể bỏ qua nhé)

    Nguyên liệu làm lạc rang húng lìu

    Nguyên liệu làm lạc rang húng lìu

  1. Cách làm: Rất dễ và đơn giản cả nhà ạ
  • Lạc nhặt bỏ những hạt xấu và bị mất vỏ. Bên này lạc không được ngon như ở nhà nhưng tớ làm ăn cũng thấy ok. Để lạc vào một cái bát lớn rồi đổ nước sôi vào xâm xấp. Để như vậy chừng 1 – 2 phút để cho lạc nở ra rồi đổ ra rổ để ráo.

    Trần lạc qua nước sôi rồi để ráo

    Trần lạc qua nước sôi rồi để ráo

  • Pha nước với đường sweetener, húng lìu hoặc ngũ vị hướng và một chút muối. Đánh tan đều lên rồi đổ vào chỗ lạc đã trần qua nước sôi. Lưu ý: nhiều người nói là húng lìu/ ngũ vị hương nên để sau khi rang lạc rồi mới ủ vào với lạc nhưng tớ thấy làm cách này gia vị thấm hơn. Cả nhà có thể thử và chọn cách mình thích nhé.

    Pha gia húng lìu/ ngũ vị hương rồi đổ vào lạc ướp

    Pha gia húng lìu/ ngũ vị hương rồi đổ vào lạc ướp

  • Xóc lạc vài lần cho gia vị thấm đều rồi để như vậy qua đêm (hoặc 10 – 12 tiếng) cho thấm gia vị và lạc bắt đầu khô ráo nhìn từ phái bên ngoài.

    Để lạc thấm gia vị, khô lại qua đêm rồi cho vào lò nướng

    Để lạc thấm gia vị, khô lại qua đêm rồi cho vào lò nướng

  • Hôm sau, bất lò làm nóng lò ở chế độ nướng lửa dưới (bake) ở nhiệt độ 300 độ F (khoảng 150 độ C). Đổ lạc ra khay nướng làm sao đảm bảo lạc không bị đầy và đè vào nhau quá thì sẽ chín không đều. Sau đó, cho khay lạc vào lò nướng khoảng 30 phút là được. Cứ 10 phút thì lại lấy khay ra đảo lạc để lạc chín đều.

    Từng hạt lạc thơm bùi thơm mùi đất trời - Lạc rang húng lìu <3

    Từng hạt lạc thơm bùi thơm mùi đất trời – Lạc rang húng lìu <3

Làm lạc rang húng lìu không khó tới vậy nhưng để tìm hiểu về món ăn này tớ lại thấy khá là tốn thời gian và giấy mực hihi … Lạc đổ ra ăn lúc còn nóng, thổi phù phù thơm nức mùi húng lìu. Cắn hạt lạc giòn tan, phảng phất các gia vị, ngòn ngọt mà lại có chút muối, béo béo mà lại thấy như cả hương trời cây cỏ ở bên. Thật khó tả!

Thú vị và hấp dẫn lạc rang húng lìu

Thú vị và hấp dẫn lạc rang húng lìu

Bài viết liên quan

20 bình luận

Quynh 20/03/2015 - 7:37 PM

Cho em hỏi xíu là với công thức này có thể sử dụng cho hạt điều được ko ah?

Reply
Candy 21/03/2015 - 3:08 PM

Em ơi, chị chưa thử nhưng chị nghĩ có thể cũng sẽ được với hạt điều đấy :) Em thử xem sao rồi cho chị biết với nhé :D

Reply
Thúy 21/03/2015 - 11:32 PM

Chị rất thích món này, sẽ phải làm thử thôi. Cám ơn công thức củ em nhé.

Reply
Candy 25/03/2015 - 10:31 AM

Dạ, cám ơn chị ạ :) Chúc chị thành công nhé!

Reply
bumble bee 23/03/2015 - 4:02 PM

món này có kỷ niệm thơ ấu với tớ đó cậu. Ngày xưa chú và cậu của tớ cũng lai rai món này vao những buổi chiều – giờ thấy nhà cậu làm tớ nhớ nhà vô cùng… :-(
Món này ghiền dể sợ hả

Reply
Candy 25/03/2015 - 10:36 AM

Hihi, món này công nhận để lai rai là món nhậu thì thú vô cùng :))))

Reply
thanh thủy 22/05/2015 - 4:18 AM

Cảm ơn bạn nhiều! Bài viết rất hay. Mình bắt tay vào làm thôi.

Reply
Candy 28/05/2015 - 10:36 AM

Cám ơn Thanh Thủy nhé. Chúc bạn thành công!

Reply
Kendy 11/08/2015 - 6:51 AM

Theo cách này mình làm hạt mít rang húng lìu cũng ngon tuyệt đấy.

Reply
Candy 11/08/2015 - 2:54 PM

Thế à :) Cám ơn Kendy chia sẻ nhé. Hạt mít chỗ mình lại là đặc sản rất khó có…

Reply
Tu 21/09/2016 - 7:16 AM

Hì bạn! Mình rất thích khám phá và tìm hiểu món ăn như bạn. Bạn muốn tìm hiểu húng lìu là gì phải không ? Bạn thử phát âm từ hương liệu bằng giọng của người tàu xem sao, chú mình là dân ba tàu chỉ mình đó. Ngũ vị hương là tiếng Việt , chỉ 5 hương vị như bạn nói, còn hương liệu rang lạc không có vị của thảo quả.

Reply
Candy 30/09/2016 - 8:52 AM

Ôi cám ơn ơn Tú rất nhiều về chi tiết này :D Quá hay! Cám ơn bạn đã chia sẻ nhé :X Hương liệu – Húng lìu ;)) Thải nào mà nghe cứ quen quen hehe

Reply
Toàn 04/05/2020 - 12:41 AM

Chào bạn Tú cho mình hỏi tại sao lạc rang lại không có vị thảo quả, thảo quả cho vào thơm mà?

Reply
huong tran 01/11/2016 - 2:42 PM

xin chao co Candy. cho hoi tablespoons la gi va teaspoons co phai la 1 muong cafe hay la muong canh sau khi cho gia vi vao lac roi thi do nuoc gia vi bo di ngay hay ngam trong bao lau roi moi de den sang mai? nam nay toi da 67 tuoi roi nen co hoi lam cam mong cac co cac chu dung cuoi

Reply
Candy 13/11/2016 - 1:59 PM

Dạ vâng ạ bác ơi. Tablespoon là thìa đo bên này có dung lượng là 15 ml, còn teaspoon có dung lượng là 5 ml. Nhưng thay bằng 1 Tablespoon = 1 muỗng canh, 1 teaspoon = 1 muỗng cafe cũng được ạ. Gia vị rắc vào lạc vẫn để nguyên nước và nó sẽ thấm vào lạc hết ạ. Tức là lúc cho vào lò nướng gần như là lạc thấm hết ạ.

Reply
beech 21/01/2017 - 4:52 AM

khi nướng không để cả 2 lửa mà để mỗi nửa dưới thôi hả bạn

Reply
Candy 29/01/2017 - 12:02 PM

Lò nhà mình chỉnh 2 chế độ: Bake (nướng lửa dưới) và Broil (nướng lửa trên). Lò nhà bạn bất được cả 2 lửa à. Bạn thử nướng 2 lửa xem có đều hơn không. Nhưng theo tớ hiểu bake thì sẽ đều hơn đấy.

Reply
PHAN THÔNG 22/07/2018 - 8:29 AM

Cát rang dùng loại cát gì ? Cách làm như thế nào bạn ?

Reply
Candy 07/08/2018 - 9:28 AM

Mình chưa thử bên này bao giờ nên cũng không rõ bạn ạ.

Reply
DanHa 04/06/2020 - 1:22 AM

Cảm ơn Candy đã chia sẻ công thức này. Thay vì xóc lạc xong và để qua đêm, mình đem lạc đi hong (ngoài trời nhưng không trực tiếp dưới nắng) khoảng 6 đến 7 tiếng cho lạc khô lại rồi đem đi rang trong microwave 4 phút (2 phút xong mang ra đảo đều, rồi bấm 1 phút nữa lại đảo đều, và thêm 1 phút cuối nữa như vậy). Lạc rất giòn và thơm.

Reply

Leave a Reply to Thúy Huỷ phản hồi