Chào cả nhà,
Tớ vẫn đang trong trạng thái lâng lâng vì hôm qua bên này là ngày đổi giờ. Ngày đổi giờ (Daylight saving time) thông thường đánh dấu sự chuyển biến trong đất trời, không gian và thời gian được di chuyển chút xíu cho hợp lý. Vì ngày bắt đầu sáng lâu hơn và vì vậy bây giờ sẽ dịch chuyển thời gian nhanh đi 1 tiếng để ngày bắt đầu sớm và kết thức cũng sớm hơn. Ngoài ra, trường tớ bây giờ cũng bắt đầu kì nghỉ Xuân (Spring break). Cứ có cảm giác là mùa xuân đã tới.
Thật ra cả tuần vừa rồi và tớ xem thời tiết thì thời tiết bắt đầu ấm lên nhiều lắm rồi. Ấy vậy mà hôm qua trời tuyết, mưa đá ầm ầm khiến tự dưng thấy lạ. Đổi giờ được một ngày, hôm nay là ngày thứ 2 rồi mà hai mẹ con tớ vẫn đang tiếp tục trong quá trình dịch chuyển thời gian, giờ ngủ nap rồi bữa ăn các thứ. Cũng mệt phết ý.
Tối hôm qua sau khi con đã ngủ, tớ ngồi phờ phạc suy nghĩ: “Sao chỉ thay đổi có một tiếng mà mình thấy cuộc đời mình cũng khác nhiều thế nhỉ :-? “ Vậy nên, ai muốn thực hiện câu: “Đời chúng ta thay đổi khi chúng ta thay đổi” thì hãy nhanh chóng tự chỉnh đồng hồ bản thân để dậy sớm hơn 1 tiếng và đi ngủ sớm hơn 1 tiếng xem sao nhé ^^ Tớ đảm bảo cả nàh sẽ thấy có một sự khác biết k hề nhỏ đâu nhé ;)
Nhân dịp ngày đầu tiên của kì nghỉ Xuân, tớ bỗng nhớ tớ một mùi hương rất Xuân quen thuộc của Việt Nam mình. Đó là mùi hương hoa bưởi! Chẳng vậy mà có bài hát “Hương thầm” ;) Thôi, hôm nay tớ xin không dài dòng mà tặng cả nhà lời bài hát tuyệt hay này:
“Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ.
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương thơm.
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn taỵ
Cô bé ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận,
Bên ấy có người ngày mai đi xạ
Nào ai đã một lần dám nóị
Hương bưởi thơm cho lòng bối rốị
Cô bé như chùm hoa lặng lẽ.
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêụ
Hai người chia tay sao chẳng nói điều chỉ
Mà hương thầm theo mãi bước người đỉ
Hai người chia tay sao chẳng nói một lờị
Mà hương thầm vương vấn mãi người đi!”
Còn bây giờ tớ vào ngay chủ đề chính của bài viết là cách làm món ăn cực ngon và hấp dẫn “Chè bưởi”.
Thật ra, làm chè bưởi không khó nhưng cần chút nhẫn nại vì nếu làm không kĩ càng thì phần cùi bưởi ăn sẽ không được giòn, và có thể còn đắng. Hồi xưa ở nhà tớ ra ngoài ăn cốc chè bưởi thấy ngon lắm nhưng khi tận tay làm từng công đoạn để ra được cốc chè bưởi rồi thì tự dưng cảm thấy xúc động và cốc chè trên tay bỗng dưng ăn ngon gấp trăm, gấp vạn lần cốc chè bưởi hồi xưa ý. Có lẽ bởi mình đã đặt rất nhiều công sức và tâm huyết khi làm nên cốc chè bưởi nên đã ngon lại càng ngon hơn nữa. Một phần lí do khác nữa là thật ra chỗ tớ mới khoảng 2 năm gần đây là có bán bưởi ở chợ Mỹ thôi. Bình thường, bưởi là loại quả vô cùng quý hiếm và đắt tiền nên khi ăn cốc chè bưởi giá trị lại càng tăng ^^
- Nguyên liệu:
- 1 quả bưởi (tớ chẳng biết loại bưởi tớ dùng là loại nào nhưng tớ nghĩ loại nào cũng được, miễn nhiều cùi trắng/hồng) hay 2 cups vỏ cùi trắng thái viên nhỏ
- 2 Tablespoons muối + ½ cup nước (120 ml)
- 1 teaspoon phèn chua (giã nhỏ) (Alum)+ 4 cups nước (1 lít)
- 2 Tablespoons đường
- 6-7 Tablespoons bột năng
- ½ cup đậu xanh cà vỏ (mung bean)
- 5 lít nước + ¾ cup đường
- ½ cup nước (120 ml) + 6 Tablespoons bột năng
- Vài giọt dầu hương bưởi
- Nước cốt dừa:
- ½ cup (120 ml) nước cốt dừa (coconut milk)
- 1 teaspoon bột năng
- một chút muối
Lưu ý: Định lượng này hoàn toàn có tính chất tham khảo vì lượng cùi trắng có thể khác nhau của mỗi quả bưởi. Tớ cố gắng chính xác nhất có thể để cả nhà có thể dựa theo đó làm nhé.
- Cách làm: Nói nghe có vẻ khó nhưng thật ra chỉ hơi tốn thời gian và công sức chứ cách làm không hề khó. Tớ chia phần cách làm ra thành những phần chính cấu thành nên chè bưởi nhưng khi làm cả nhà nên kết hợp vừa làm cái này cái kia trong thời gian chờ đợi thì sẽ nhanh hơn nhé.
a. Chế biến cùi bưởi:
- Gọt bưởi phần vỏ xanh bên ngoài. Lưu ý gọt sâu một chút vì hơi cay của vỏ xanh có thể là cùi bị đắng. Sau đó, gọt phần cùi bưởi rồi thái viên nhỏ như hình dưới.
- Cho toàn bộ cùi bưởi vào một cái bát rồi trộn đều với 2 Tablespoons muối và ½ cup nước. Để như vậy khoảng 4 tiếng. Cứ 1 tiếng lại ra đảo lại một lần. Sau đó, đem xả nước rửa sạch ít nhất 5 lần. Mỗi lần xả rửa nhớ bóp vỏ bưởi thật kĩ. Bước này giúp bỏ phần hăng hay đắng của cùi bưởi.
- Đun 1 nồi nước (1 lít nước) và cho 1 teaspoon phèn chua vào đun cho tan rồi cho cùi bưởi vào chần khoảng 2-3 phút để cho cùi bưởi giòn.
- Đổ cùi bưởi ra rổ hoặc rây rồi tiếp tục xả nước ít nhất 3 lần để cho thật sạch. Bóp cùi bưởi thật khô.
- Đổ toàn bộ cùi bưởi ra một bát rồi cho 2 Tablespoons đường vào trộn đều. Để khoảng 5-10 phút cho đường thấm rồi bắc chảo lên bếp để lửa vừa và sên vỏ bưởi với đường cho thấm. Bước này giúp tạo thêm mùi vị cho cùi bưởi nhưng đồng thời giúp cho việc hấp thụ bột năng ở bước sau trong bước bao bột.
- Cùi bưởi sau khi sên xong đổ ra bát, để nguội một chút thì bắt đầu cho từng thìa bột năng vào rồi trộn đều lên. Cứ trộn cho tới khi bột năng bao hết từng viên cùi bưởi và tạo thành viên như lúc mình bao củ năng trong chè hạt lựu.
- Bắc sẵn một nồi nước sôi, rồi cho cùi bưởi đã bao bột năng vào luộc. Thỉnh thoảng đảo đều để cùi bưởi không bị sát đáy nồi. Luộc tới khi cùi bưởi nổi lên thì để lửa liu riu khoảng 15’ cho tới khi phần bột năng chín, nhìn trong trong là được. Đổ toàn bộ phần cùi bưởi ra rồi hoặc rây rồi xả qua nước lạnh. Cho thêm khoảng 1 Tablespoon đường nữa để cho phần cùi bưởi được dai.
b. Đậu xanh:
- Ngâm đậu xanh qua đêm cho nở. Sau đó vo sạch. Đổ vào chõ hấp hoặc có thể hấp bằng cách chồng xếp đĩa lên như bài bánh chay tớ giới thiệu.
- Hấp khoảng 20 – 30’ cho chín. Nấu chè bưởi nên hấp đậu xanh để hạt đậu xanh chín ráo mà còn nguyên hạt.
c. Nước cốt dừa:
- Cho vào nồi nhỏ nước cốt dừa, bột năng và một chút muối vào khuấy đều lên.
- Sau đó đặt nồi lên bếp để lửa vừa khuấy liên tục cho tới khi nước cốt dừa nóng lên và bắt đầu sánh lại. Không cần để nước cốt dừa sôi mà chỉ cần sánh lại là tắt bếp. Để nguội ăn với chè.
d. Lắp ráp các thành phần để tạo nên nồi chè bưởi:
- Cho 1.5 lít nước và ¾ cup đường vào nồi. Đun sôi cho đường tan.
- Cho 6 Tablespoons bột năng vào trộn đều cùng ½ cup nước lọc. Sau đó, từ từ đổ phần nước bột năng vào nồi nước sôi. Đảo đều tay cho tới khi thấy sánh nhẹ là được. Nêm nếm lại đường theo khẩu vị. Cho vài giọt dầu hương bưởi vào cho thơm.
- Cho toàn bộ phần đậu xanh (b) đã hấp vào đảo đều. Cuối cùng cho phần cùi bưởi (a) đã làm vào đảo đều rồi tắt bếp.
Phù… phù… phù xong rồi ạ!!!! Hihi, thế là chè bưởi đã được hoàn thành. Chè bưởi có thể ăn nóng hoặc ăn lạnh hoặc ăn ấm tuỳ vào sở thích và phù hợp với hoàn cảnh thời tiết. Ví như trời chỗ tớ hôm nay tuyết rơi lã chã thì đương nhiên một cốc chè bưởi nóng sẽ thật thú vị <3. Khi ăn nhớ rưới thêm nước cốt dừa nhiều ít cũng theo sở thích.
Tớ thì thích nước cốt dừa vừa phải thôi vì nếu nhiều quá sẽ làm lấn át đi mùi “hương bưởi ngan ngát”. Món chè bưởi ăn rất thú vị vì khi ăn cùi bưởi giòn nhưng lại dai dai. Thỉnh thoảng lại thấy vị bùi của đậu xanh. Tớ không nêm nếm chè quá ngọt mà muốn thưởng thức từng thành phần làm nên chén chè bưởi tuyệt vời này.
Hồi xưa khi chưa bao giờ nghĩ tới việc làm chè bưởi, tớ mê món này lắm mà không nghĩ hoá ra lại được làm từ củi bưởi. Thú thật, hồi đó vô tâm nhiều khi còn không nghĩ là món chè bưởi làm ra từ thành phần nào của bưởi hehe… Nhưng làm rồi mới biết sự tinh tế và chịu thương chịu khó của các cụ khi nghĩ ra cùi bưởi có thể làm thành một món ngon ngọt tới như vậy :X Vỏ bưởi thì dùng để đun nước gội đầu. Túm lại, quả bưởi ngon là không bỏ đi phần nào cả ;)