Tết lại sắp về … Hqua mấy đứa bạn cấp hai của tớ comment trên facebook than trách là sao tớ không về với “chùm khế ngọt” nhanh đi… Tết sắp tới nơi rồi … Hic hic, nghe xong mà chạnh lòng thế không biết… Vâng và thế là cái Tết thứ 3 liền tù tì với cảnh “xuân này con không về” rồi …
Có người hỏi tớ: “Thế Tết thường thì ăn gì nhỉ?” Bạn đừng vội cười vì câu hỏi này là rất bình thường với những người xa quê… Lâu quá rồi không ăn Tết thì lấy đâu mà nhớ. Tất nhiên là có bánh chưng, bánh tét nhưng cụ thể trong mâm cơm cỗ ngày Tết thì có những gì… Nếu bạn cũng đang trong hoàn cảnh giống tớ thì xin lỗi nếu bạn đọc những dòng tiếp theo của entry này mà cảm thấy “nước miếng tứa ra” nhé … hihi … Tớ cũng đang vừa viết entry này, vừa tứa nước miếng nghĩ về bữa cỗ ngày Tết đây.
Này nhé, mâm cỗ ngày Tết nhà tớ hồi xưa (trong kí ức của tớ) bao giờ cũng có ít nhất 3 loại giò: giò lụa, giò thủ (giò xào), giò nây (là một loại giò chỉ có ở quê tớ :D) hoặc không thì sẽ đảo có cả giò bò nữa. Giò lụa hoặc giò bò thì không lo vì tớ đã làm được :D … Nhưng nghĩ tới giò thủ mà thèm vì chỗ tớ làm sao mua nổi nguyên liệu mà làm. Bố mẹ tớ làm giò này ngon tuyệt! Nhà tự làm nên thành ra ăn chất lượng, nạc vì cho nhiều thịt lưỡi, giòn vì cho nhiều tai và nhất là sạch sẽ vô cùng. Món giò nây là một loại giò đặc biệt rất đẹp mắt được làm bằng cả tảng ba chỉ lớn. Rồi khứa miếng thịt, ướp mắm, hạt tiêu thôi. Bố tớ chả đong đếm bao giờ, cứ ướp mà tới lúc ăn xong lúc nào cũng vừa như đúng rồi ý hihi … Sau đó, gói chặt tay, cuốn sao cho tròn và mang luộc 2-3 tiếng đồng hồ cho giò chín và nhừ. Để nguội cắt ra thì giò rất đẹp vì lớp ngoài là bì, rồi tới lớp mỡ trắng, rồi lớp nạc, rồi lại lớp mỡ rồi lại lớp nạc. Nhìn thì sợ nhưng thật ra khi luộc mỡ ra ngoài hết rồi, ăn với tí hành muối chua thì tuyệt vời… Ôi chao là thèm!
Ngoài ra, còn ti tỉ các món khác, nào là xôi (không xôi gấc, thì xôi vò, xôi đậu xanh etc.), nào là nộm (nộm su hào hay đu đủ), nào là các loại rau củ quả xào, nào là tôm tẩm bột rán, nào là thịt đông, nào là gà luộc. Đặc biệt nhà tớ còn tự làm nem thính (kiểu ở quê tớ), ăn kèm với lá đinh năng nhà trồng. Ngoài ra, tớ còn nhớ có nồi cá trắm đen kho nữa. Rồi gì nữa nhỉ, à phải rồi, canh thì bao giờ cũng có ít nhất 2 loại canh: canh măng móng giò với miến hoặc canh chua cá, hoặc canh rau cần thịt bò, hoặc canh bóng mọc etc. Ôi trời, bánh chưng ăn với dưa hành mẹ tớ muối trước cả tháng. Ôi, thôi, không kể nữa… Sắp khóc rồi đây này huhu…
Ơ mà khoan, còn một món tớ quên kể mà khá là quan trọng đó là món nem (chả giò) hehe … Món này mà thiếu thì đúng là mất đi hương vị Việt rất nhiều rồi ^^ Tớ thấy sau Phở, có lẽ nem cũng được coi là một món khá nổi tiếng và phổ biến khi nhắc tới ẩm thực Việt mình. Thôi thì chia sẻ với những người con xa xứ trong dịp Tết này, tớ xin mời cả nhà ăn món nem và cụ thể hơn là món bún nem trong bài viết này vậy ^^ …
Nói một chút về nem hay chả giò. Nghe hai cái tên nhưng thật ra là đều chỉ về một món từ hai miền. Từ hồi đi xa tớ mới biết hóa ra món nem cũng mỗi người làm một kiểu. Sự khác biệt không chỉ ở trong nhân của nem (chả giò) mà còn là cả vỏ gói nem (bánh đa nem hay bánh tráng). Nói chuyện với một người bạn ở miền Nam tớ mới biết cách làm khác hẳn miền Bắc. Nhân nem của miền Bắc có nhiều rau, củ quả hơn, ngoài ra còn có nấm hương, mộc nhĩ, thậm chí là miến, trong khi nhân chả giò của miền Nam lại có khoai môn, củ đậu. Đặc biệt nem miền Bắc được gói bằng bánh đa nem mỏng dính, cuốn nhiều lớp tới lúc rán lên thì thấy giòn nhưng cắn lại mềm. Còn chả giò miền Nam thì cuốn bắng bánh tráng có phần dày hơn hoặc sang đây tớ còn thấy vỏ gói chả giò của người tàu (gọi là egg roll) hoàn toàn khác với vỏ bánh đa nem của miền Bắc. Tớ đã đi nhiều nơi nhưng không ở đâu có bán bánh đa nem mỏng nên đi đâu cũng phải mang theo vì cả hai vợ chồng thích ăn nem và chồng tớ còn khó tính hơn vì đã là nem thì phải là vỏ bánh đa nem mới được hehe …
Tới đây, cả nhà có thể hình dung một món ăn nhưng được biến tấu đi khác biệt thế nào giữa các vùng miền trong cùng một đất nước phải không :D Riêng với tớ điều thích thú hơn cả là được tiếp xúc và biết đến một cách ăn khác của một món ăn quen thuộc của mình. Hôm nay tớ xin giới thiệu với cả nhà cách làm nem theo kiểu miền Bắc nhé.
1. Nguyên liệu: Nếu để ý cả nhà sẽ thấy nguyên liệu khá giống Trứng pizza nhưng phân lượng có phần hơi khác và có thêm một số nguyên liệu khác nữa. Chừng này tớ làm ra khoảng 25 – 30 cái nem.
- 200 grams thịt vai băm (ai thích ăn nhiều thì cho khoảng 300 grams vì nhà tớ không thích ăn nhiều thịt hehe)
- 100 grams tôm tươi (hoặc 50 grams tôm khô)
- 2 củ cà rốt nhỏ (hoặc 1 củ to)
- 1 củ hành tây nhỏ (hoặc nửa củ lớn)
- 100 grams giá
- 1 củ đậu (củ sắn) nhỏ hoặc nửa củ to (có thể thay thế bằng su hào)
- 100 grams miến
- 50 grams mộc nhĩ
- 50 grams nấm hương
- 2,3 nhanh hành tươi
- 4 hoặc 5 quả trứng
- 1 bát con nước pha với dấm
- Bún khô
- Nước chấm nem: Cả nhà tham khảo công thức pha nước chấm chua ngọt ở bài Bún chả này: https://candycancook.com/2013/01/cach-lam-bun-cha-bun-thit-nuong/
2. Cách làm: Theo tớ là dễ làm nhưng mà hơi mất công trong khoản băm thái các nguyên liệu. Ai có máy xay (food processor) thì nên tận dụng vì làm sẽ nhanh hơn rất nhiều đấy^^
- Làm sạch tôm, thái nhỏ (tớ không xay tôm vì thích khi ăn vẫn thấy miếng tôm rõ vị hơn). Nếu dùng tôm khô thì ngâm nước chừng 30 phút, rồi rửa sạch. Sau đó xay nhỏ.
- Thái nhỏ các nguyên liệu: cà rốt, hành tây, củ đậu (hoặc su hào). Giá thái vừa phải không cần nhỏ quá vì nếu không sẽ làm nát nem (giá có nhiều nước mà :D). Trong các loại rau củ này chỉ nên xay cà rốt và su hào nhé cả nhà vì những cái khác xay sẽ nát.
- Miến, mộc nhĩ, nấm hương ngâm nở rửa sạch. Mộc nhĩ và nấm hương thái nhỏ hoặc cho vào máy xay. Miến thái dài chừng 1 tới 1.5 đốt tay.
- Hành tươi thái nhỏ
- Cho tất cả các nguyên liệu trên vào một cái nồi lớn rồi đập trứng vào và trộn đều lên. Vì vỏ bánh đa nem thường mặn nên tớ chỉ nêm thêm chút tiêu thôi. Nếu ai dùng vỏ bánh tráng hoặc vỏ cuốn egg roll thì nêm thêm mắm và muối nhé.
- Cách gói nem: (khá giống cách gói Gỏi cuốn)
- Vì bánh đa nem tớ toàn mua trữ nên thường bị khô vì thế đầu tiên là bôi 1 lớp nước đã pha dấm lên lớp bánh. Nước pha dấm này vừa có tác dụng làm mềm bánh đa nem, vừa giúp cho nem giòn hơn khi rán nữa.
- Tiếp đến múc khoảng 1 tới 1.5 thìa nhân đã trộn, dàn trải nhân tao hình nem, sau đó kéo bánh đa nem và bắt đầu cuốn một vòng cho chắt tay. Dùng ngón tay chỉnh hai đầu nem cho cân rồi gập 2 mép bánh đa nem lại rồi cuốn tròn tiếp là xong. Lưu ý: để cuốn nem đẹp và giữ được hình tròn thì nên vừa gói xong một cái là cho vào rán ngay vì để lâu bánh đa nem sẽ bị mềm quá và rách.
- Cách rán nem: Không cần ngập dầu nhưng cũng phải ngập ít nhất nửa cái nem nhé
- Làm nóng chảo dầu và để lửa Med-hi ban đầu. Cho từng cái nem vào chảo và lấy đũa lăn nem tròn trên chảo để định hình và giữ cho hình dáng của nem tròn rồi mới xếp vào vị trí. Nếu mọi người cho nem vào chảo và cứ để như vậy cho tới khi vàng mặt rồi mới đảo mặt kia rán thì nem sẽ bị bẹt, không đẹp mắt.
- Sau khi xếp đầy chảo nem thì chỉnh lửa Med thôi để nhân nem chín và vỏ vàng từ từ.
- Tớ thường rán nem hai lửa thì nem sẽ giòn hơn. Sau khi lần đầu rán nem vàng nhạt thì bỏ ra ngoài đĩa hoặc hộp. Khi nào ăn bao nhiêu thì tớ rán lại ở lửa Med-hi thì nem sẽ vàng và rất giòn. Rán ở lửa hai thì không cần nhiều dầu ăn.
Nếu ăn nem trong mâm cỗ Tết thì vẫn phải có bát nước chấm chua ngọt và ăn kèm với rau sống. Nếu ăn bún nem thì cả nhà luộc bún khô theo chỉ dẫn hoặc có bún tươi thì trần lại nước sôi. Ăn bún nem ăn giống hệt như bún chả, cũng một bát nước chấm, bún, nem để riêng. Ai ăn bao nhiêu thì gắp vì đặc biệt nem chỉ chấm cái ăn liền mới giữ được độ giòn của vỏ bánh đa nem.
Chia sẻ một chút với những người con xa quê và một Tết nữa con không về nhé…
13 bình luận
nhìn bạn luộc đĩa bún mà thèm quá.Ko hiểu sao mình luộc bún lên nhìn trả ngon gì cả mình dùng bún của Safaco nhưng luộc chín 1 chút thì nó natsb ko dai mà luộc vừa vừa thì ăn cứ cảm thấy sợi bún cứng cứng bột bột nói cung chán lém
Bún mình mua loại gì bên này ý Hellen ạ. Nếu bạn thấy chưa ưng cách luộc thì thử cách này xem nhé: bạn luộc tới mức mà cảm thấy “vừa vừa” như bạn nói rồi bạn tắt bếp, đậy vung, để khoảng thêm 5 – 10 phút nữa xem sao ;) Mình cũng thường hay làm cách này và thấy bún rất vừa ;)
Mon nem con lam that la ngon, day la mon k,hong the thieu trong ngay tet mien Bac
Con cám ơn mẹ ạ! Đây cũng là món ưu thích nhất của mẹ nữa mà hihi
Candy ơi cho e hỏi,có thể cho củ đậu vô dk ko ajk?
Chị cho củ đậu nếu không có giá đấy em :D Nhưng củ đậu thái hạt lựu ngon chứ đừng cho vào máy xay em nhé :D
candy ơi bạn thử làm bún với bánh phở bao giờ chưa,giờ lên mạng thấy nhìu chị em làm lắm.khi nào bạn làm rồi cho mình và mọi ng kinh nghiệm với nhé
Tớ chưa Hellen ạ :D Để nghiên cứu xem thế nào ;) Nếu làm đc tớ sẽ share nhé ^^
Nhà em cũng dùng nguyên liệu như chị đề cập nhưng ko có tôm :))) nhưng cho cả rau mùi nữa chị ah. Mẹ em cứ kêu độn nhiều rau củ, nhưng mà ngon chị nhỉ. Em lười ăn rau nên cũng toàn “độn” nhiều thế này để ăn đc nhiều rau :)))
Uh, em làm chị thèm quá, có khi hôm nay đi xay thịt gói nem thôi :))) haha… Chị thấy ăn nhiều thứ “độn” thế này ăn không ngán mà khi cắn miếng nem thấy đủ hương vị ý :X … Em thử cho tôm khô vào xem sao, cũng thơm ngon lắm đấy ;) Chị dâu chị cũng thích cho rau mùi vào nem lắm :D
Nghiên cứu đi nhé khi nào có thì share nha mình rất tin tưởng công thức của bạn.Thank bạn trước nha
Yeah, Hellen :D Tớ sẽ share ngay nếu biết thêm gì :X
[…] tớ chưa từng bao giờ ăn do nhà làm (không hiểu lý do vì sao :P mà chỉ toàn làm món nem thông thường thôi :D) mà lúc nào ra ngoài hàng ăn thì nhà tớ cũng đều gọi một đĩa nem hải […]