Trang chủ Các loại bánhBánh Việt Bánh đúc nóng hổi vừa thổi vừa ăn

Bánh đúc nóng hổi vừa thổi vừa ăn

bởi Candy

Chào cả nhà,

Sau một tuần có vẻ hơi nóng lên thì tuần này thời tiết lại se lạnh trở lại. Tuy vậy, nhìn ra ngoài trời có chút nắng ấm, cây cối đâm trồi nảy lộc, chim hót véo von khiến tâm hồn cũng thư thái nhiều. Chính vì vậy, hôm nay tớ phải post vội mời cả nhà một món ăn chơi rất độc đáo mà xem ra cách làm không hề khó chút nào. Món ăn chơi nhưng mê ăn quá là thành ăn no luôn đó. Đấy chính là món bánh đúc nóng hay bánh đúc nhân thịt.

Mời cả nhà thưởng thức Bánh đúc nóng nhân thịt

 

Lặn lội lên tận Atlanta gặp một người bạn vài tháng trước, nhà tớ có ghé một chợ châu Á trên đấy và tớ tìm được ít vôi :D Giá hộp vôi chỉ có 99 cent nhưng nghĩ lại không có nó thì cũng không thể làm nên món ăn ngon mang đậm chất dân dã như bánh đúc. Hồi Tết tớ cũng định dùng để làm chút mứt Tết nhưng bận quá vẫn chưa có thời gian sử dụng. Tuy vậy, có chút vôi để làm bánh đúc đã là một niềm mơ ước bấy lâu nay của tớ.

Lúc đầu, tớ tính làm bánh đúc lạc nhưng bánh đúc lạc phải quấy khá nhiều. Sau một lần thử thì tớ tìm ra món bánh đúc nóng này làm nhanh gọn và hấp dẫn, phù hợp hơn với thời tiết se lạnh nên lại hẹn món bánh đúc nguội vào một dịp sắp tới, khi trời nóng rừng rực hehe… Trên mạng có rất nhiều công thức và cách làm bánh đúc nóng, có cả công thức không sử dụng nước vôi trong. Tuy vậy, tớ thấy có nước vôi trong để ngâm bột thì mới ra được chất bánh đúc cả nhà ạ. Mùi và độ dai dẻo đặc trưng của bánh đúc có được chính là từ nước vôi trong.

Thơm ngon hấp dẫn cho một ngày lạnh – Bánh đúc nóng

Vậy nước vôi trong là gì? Nước vôi trong là nước sau khi đã được hoà với vôi, để lắng và gạn phần vôi đi, chỉ lấy phần nước trong thôi. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào loại vôi khác nhau mà thời gian lắng và khả năng lắng ra được nước trong khác nhau. Loại vôi tớ sử dụng mặc dù sau khi được gặn lắng 3 lần nhưng nước vẫn không được trong hoàn toàn. Vì vậy, tớ phải sử dụng tới dụng cụ lọc rây qua một cái khăn sạch hoặc giấy bếp (paper towel).

Một bát bánh đúc nóng nhân thịt giản dị, dân dã

Theo tớ tìm hiểu về cách làm truyền thống thì bánh đúc là: Gạo sẽ được ngâm qua đêm cùng nước vôi trong. Sau đó, gạo sẽ được đãi sạch (chứ không hề dùng nước vôi trong khi nấu). Sau đó, dùng cối xay gạo xay bột nước rồi mới đêm lên bếp nấu thành bánh đúc. Ngày nay, có bột khô nên tớ cũng nghĩ tới việc làm sao để công việc được đơn giản hơn. Chính vì vậy, tớ sử dụng nước vôi trong ngâm bột (lý tưởng nhất là ngâm qua đêm), sau đó đêm gạn đi vài lần nước và đổ thêm nước thường vào rồi nấu bánh đúc. Làm như vậy sẽ bớt được công đoạn xay bột. Nếu ai cầu kì thì hoàn toàn có thể ngâm gạo và xay bột bằng máy xay sinh tố. Tuy nhiên, tớ cũng chưa thử làm cách này nên chưa có công thức chuẩn chỉnh để chia sẻ cùng cả nhà.

Về nhân bánh đúc nóng thì rất đơn giản, cách làm hoàn toàn giống với cách làm các loại nhân như nhân bánh giò hoặc bánh cuốn. Xin cả nhà vào đây xem cách làm cụ thể nhé: https://candycancook.com/2011/04/cach-lam-banh-gio/. Thịt băm nhỏ xào chín thơm với mắm, muối, hạt tiêu rồi cho mộc nhĩ (nấm mèo) băm nhỏ vào xào cùng rồi cuối cùng là cho hành tây vào.

Không quá cầu kì nhưng là một món ăn chơi hấp dẫn – Bánh đúc nóng

Ngoài ra, bánh đúc nóng sẽ không thể ngon được nếu thiếu đi nước mắm chan được pha hơi đậm đà và phải cay một chút. Khi ăn vào vừa thổi thổi vừa xuýt xoa hương vị cay. Vì bánh đúc nóng thật tình chỉ là bột gạo được khuấy nấu lên cùng chút dầu ăn (một số nơi dùng mỡ lợn cho béo) nên rất cần chút đậm đà của nước mắm.

Tới đây hẳn hi vọng ai cũng muốn vào bếp làm thử bánh đúc nóng cùng tớ rồi chứ nhỉ ;) Cách làm rất dễ cả nhà ạ. Nếu cả nhà chuẩn bị trước phần nhân thịt và nước mắm thì sau khi ngâm bột, sau tầm 10-15’ là đã có bát bánh đúc nóng hổi vừa thổi vừa ăn rồi :D

  1. Nguyên liệu:
  • Nước vôi trong:
    • 1/4 teaspooon vôi ăn trầu (Lime stone paste)
    • 2 cups nước (480 ml)

Lưu ý: Sau 3 lần gạn và một lần lọc qua rây thì tớ có được 1 ½ cup (400 ml) nước vôi trong. Tuỳ thuộc vào loại vôi và cách gạn lọc mà cả nhà có thể có được kết quả khác nhau.

  • Bột bánh đúc:
    • ¼ cup + 2 Tablespoons bột gạo (khoảng 50 grams) (rice flour)
    • 1 ½ cup nước (khoảng 355 ml)
    • 1/8 cup dầu thực vật (vegetable oil) (khoảng 30 ml)
    • ¼ teaspoon muối

Lưu ý: Công thức của tớ hơi lẻ vì tớ muốn sử dụng được hết số nước vôi trong đã gạn được. Cả nhà có thể tham khảo và sử dụng tỉ lệ như sau: 1 bột : 4 nước : ½ dầu ăn (nếu ai không có đồ đong như cup/ tablespoon thì có thể sử dụng đồ đong của bạn và làm chuẩn)

  • Nhân thịt:
    • 100 grams thịt băm
    • vài cái mộc nhĩ (nấm mèo)
    • ¼ củ hành tây (hoặc 2,3 củ hành khô)
    • Nước mắm, muối, tiêu
  • Nước mắm pha:
    • 1 Tablespoon nước mắm
    • 1 Tablespoon nước lọc
    • 1 Tablespoon đường
    • ½ Tablespoon dấm
    • Vài quả ớt (tuỳ theo khẩu vị ăn cay)
  • Hành khô (tuỳ chọn)
  1. Cách làm:
  • Cho vôi vào nước lọc. Dùng đũa đánh đều cho vôi tan. Để vôi lắng hết xuống rồi gạn lấy phần nước trong. Thời gian để lắng khoảng ít nhất 1 tiếng, tuỳ thuộc vào loại vôi lắng nhanh hay chậm.

    Pha vôi vào nước rồi chờ lắng

  • Sau khi gạn xong nước vôi trong nếu thấy nước còn chưa trong hẳn thì tiếp tục để lắng thêm 1 hoặc 2 lần nữa.

    Gạn nước trong khi vôi đã lắng

  • Nếu như ai gặp trường hợp như tớ sau 3 lần vẫn cảm thấy nước đục thì lọc qua rây có phủ 1 cái khăn sạch hoặc giấy paper towel thì nước sẽ trong hoàn toàn như trong hình.

    Lọc lại nước vôi trong để được nước hoàn toàn trong

  • Ngâm 1 ½ cup nước vôi trong (400 ml) với bột gạo. Ngâm khoảng 6 -8 tiếng hoặc như tớ thì ngâm qua đêm và sáng hôm sau nấu để có bánh ăn cả ngày.

    Ngâm bột với nước vôi trong rồi gạn bỏ và thêm nước lạnh

  • Sáng hôm sau chắt nước vôi trong đi, nhớ chắt vào cái gì có thể đo được để lúc sau lại lấy đúng ngần đấy nước đổ vào bột. Ví dụ như tớ gạn đi khoảng ¾ cup (200 ml) thì lúc sau lẫy đúng ¾ cup (200 ml) nước đổ vào hỗn hợp bột. Tiếp tục khuấy và để lắng thêm 1 lần nữa, rồi gạn phần nước đó đổ đi và đổ thêm nước vào sao cho bằng đúng phần nước gạn đổ đi. Làm như vậy thì phần nước vôi nó sẽ không bị nồng khi nấu bánh lên.
  • Sau khi đã có hỗn hợp như trên, đổ hỗn hợp bột vào nồi, nêm thêm khoảng ¼ teaspoon muối rồi bật bếp ở lửa vừa. Dùng muôi gỗ đảo liên tục. Bột sẽ nóng lên từ từ và nặng dần. Tới lúc bột bắt đầu sôi lục bục thì vẫn tiếp tục đảo và chỉnh lửa về lửa nhỏ. Đảo như vậy chừng vài phút cho tới khi bột chín hẳn. Lúc đó nhấc bột lên thì bột sẽ rơi xuống và bột nhìn sẽ trong và có màu hơi ngả vàng. Nêm dầu ăn vào và đảo hỗn hợp bột tiếp.

    Nấu bột sau khi đã lọc nước vôi trong

  • Lúc đầu khi cho dầu ăn vào thì bột sẽ rời ra nhưng sau khi đảo một lúc thì bột sẽ lại quện lại và trong dần. Bánh đúc nóng chín có thể tắt bếp đậy vung hoặc ủ nóng. Như tớ thì tắt bếp khi nào ăn đun lại cho nóng thấy cũng được và vì tớ làm ít nên cũng chỉ ăn trong ngày là hết.

    Đảo bột cho dầu ăn hoà với bột rồi đậy bột ủ nóng

  • Nước chấm: cho mắm, nước, đường và dấm vào bát rồi khuấy đều cho tan đường. Nêm nếm lại rồi cắt ớt vào. Bát nước chấm sẽ có vị chua ngọt nhưng mặn khá đậm đà.

    Pha nước mắm ớt để ăn với bánh đúc nóng

  • Nhân bánh đúc: Cho chút dầu ăn vào chảo làm nóng rồi cho thịt vào xào đảo liên tục cho thịt rời ra. Nêm mắm, chút xíu muối và tiêu rồi xào cho thịt chín săn lại. Cho mộc nhĩ đã ngâm nở, băm nhỏ vào xào đảo cùng vài phút cho chín rồi cuối cùng là cho hành tây thái hạt lựu vào đảo qua cho chín là được. Nêm nếm lại gia vị cho vừa một lần nữa. 

    Nhân bánh đúc nóng

  • Mọi thứ đã sẵn sàng để cho bánh lên bát: xúc vài thìa bánh đúc vào một cái bát con (nên làm bát nhỏ ăn mới thấy ngon vì thịt và mắm hoà quên cùng bánh), cho thêm vài thìa nhân thịt vào, chán ít nước mắm ớt và rắc thêm ít hành khô (nếu thích).

    Múc bánh đúc ra bát, cho nhân và chan nước mắm lên bát

Bánh đúc nóng được hoàn thành không khó lắm nhưng tớ nghĩ khâu chuẩn bị bột khá là kĩ lưỡng. Vì nếu không dùng nước vôi trong thì sẽ làm mất đi màu sắc (hơi ngả vàng) và mùi vị bánh đúc, nếu xử lý không kĩ nước vôi trong thì sẽ làm cho mùi bánh bị nồng và không ăn nổi. Nói vậy nhưng khi hoàn thành ra bát đúc nóng hổi vừa thổi vừa ăn thì cả nhà sẽ thấy nó giá trị và rất đáng giá những công sức mình bỏ ra ;)
Mùi bánh thơm, mềm nhưng k bột (nếu không có vôi trong thì ăn sẽ giống bột), đâu đó thơm thơm nhân thịt xào với hành, mộc nhĩ giòn giòn và đặc biệt hương vị nước mắm đậm đà với chút cay xuýt xoa càng làm cho bát bánh đúc nóng nhân thịt trở nên hấp dẫn hơn.

Bánh đúc nóng hổi vừa thổi vừa ăn :X

Cũng vẫn là những nguyên liệu đơn giản như bột gạo, chút nhân thịt băm xào giống với rất nhiều loại bánh Việt nhưng thật sự điểm sáng của món bánh đúc nóng này là một chút mắm mằn mặn và một chút beo béo rất nhẹ khi ăn bánh.

Giản dị, dân dã nhưng là điểm sáng cho những món quà vặt ngày lạnh – Bánh đúc nóng

Bát bánh đúc nóng lúc múc ra chỉ cho vào bát nhỏ, ăn chút một chút một để khi tới miếng cuối cùng vẫn thấy được sự nóng hổi của bát bánh đúc nóng. Muốn ăn thêm một bát, hai bát thì cứ múc thêm thôi cả nhà nhỉ ;) Chúc cả nhà được hưởng thụ thêm chút lành lạnh để còn thưởng thức bát bánh đúc nóng do chính mình làm ra nhé ^^

Từng miếng bánh đúc nóng là tâm tình giản dị của ông cha ta khi làm ra nó ;)

Tóm tắt cách làm tại kênh youtube của CandyCanCook:

Bài viết liên quan

3 bình luận

Shatin 23/12/2018 - 8:26 AM

ngon quá! muốn làm thử mà không biết tự làm nước vôi. Candy ơi, Tôi có thể mua nước vôi trong ở đâu đó không?

Reply
Candy 03/02/2019 - 10:51 PM

Hi Shatin, mình có hướng dẫn cách lắng vôi lấy nước vôi trong ở trên đó. Bạn có thể tự lọc được, chỉ cần mua vôi thôi :)

Reply
Thu 18/06/2020 - 12:51 AM

Công thức bánh đúc của bạn rất chuẩn. Mình cám ơn bạn nhiều

Reply

Bình luận