Bánh mỳ – Hai tiếng đáng tự hào của ẩm thực Việt Nam ta ^^ Tớ nói như vậy vì tớ đã xem rất nhiều chương trình truyền hình nấu ăn và các cuộc thi về ẩm thực và thấy “Banh my” được đưa vào đề bài khá nhiều lần. Hầu hết các đầu bếp đều nói rất rõ hai từ “banh my” như tên một món ăn, không có chuyện dịch ra phiên bản tiếng anh thành: “ Vietnamese bread”. Bánh mỳ là bánh mỳ và “banh my” là của Việt Nam! Chỉ đơn giản vậy thôi!
Vậy thì tự tay làm nên ổ bánh mỳ ngon cũng hẳn là sẽ thật tuyệt vời đấy chứ cả nhà nhỉ. Nói thật ra là nếu ở Việt Nam có lẽ ổ bánh mỳ kẹp là một trong những món ăn quá đơn giản để mua được. Nhưng nếu ở nước ngoài, có được đủ mọi thứ để làm nên một ổ bánh mỳ ngon quả là không dễ. Tuy vậy, tớ luôn nghĩ và quán triệt tinh thần: “ tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, có nghĩa là bạn có khả năng làm được nhân gì thì đều có thể tự thỏa mãn với ổ bánh mỳ Việt theo đúng sức của mình.
Bánh mỳ có thể kẹp với rất nhiều loại nhân. Tớ đã từng thấy bánh mỳ được kẹp trên dưới 10 nguyên liệu khác nhau nhưng tớ cũng đã từng ăn ổ bánh mỳ ba tê (chỉ có ba tê :D), ổ bánh mỳ thịt (chỉ có thịt) hay thậm chí là ổ bánh mỳ trứng (hồi cấp 3 chuyên xuống căng tin ăn :D) etc. Như vậy, cả nhà có thể hiểu là dù là loại nhân gì bên trong, cả nhà chắc chắn đều có thể thực hiện được nhé ^^
Nói tới đây, chắc chắn sẽ có người thắc mắc với tớ thế còn bánh mỳ – vỏ ngoài của món Bánh mỳ kẹp đó thì sao? Hừm, có thể làm được, tất nhiên nhưng công sức nhào bột, ủ bột rồi nướng bánh sao cho ngon cũng khá là mất công. Nhưng mà nói tới đây tớ lại vừa nhận ra một nghịch lí khá thú vị. Trong khi mọi người ở nước ngoài đa số muốn có được ổ bánh mỳ ít ruột, vỏ giòn như ổ bánh mỳ ở Việt Nam, thì ở Việt Nam mọi người lại rất thích ăn bánh mỳ đặc ruột ^^ Tớ thì khác, tớ không thích ăn bánh mỳ đặc ruột quá nếu bạn còn kẹp rất nhiều các loại nhân khác. Cái quan trọng là khi nướng nóng lên ổ bánh mỳ phải xốp, vỏ giòn, ăn bánh mỳ thấy nhẹ nhàng chứ không hề nặng vì ruột đặc mới ngon. Nếu bạn nào ở nước ngoài thì hãy tìm mua loại bánh mỳ Pháp thì khả năng sẽ giống bánh mỳ Việt Nam mình nhiều vì thật ra ẩm thực Việt Nam mình cũng ảnh hưởng nhiều từ Pháp. Tớ tin xuất xứ bánh mỳ của mình cũng loanh quanh đâu đó từ Pháp mà ra hehe … Nếu ở Mỹ thì mua loại bánh mỳ Bolillo – Đây cũng là một loại bánh mỳ Pháp nhưng lại có xuât xừ từ Mê-hi-cô :D Điều tớ thích là loại bánh mỳ này làm theo ổ nhỏ, nướng lên ăn xốp nhẹ y như bánh mỳ Việt Nam ý ^^ Còn nếu ai không tìm được loại bánh mỳ nào như vậy thì có thể mua loại bánh mỳ bạn thích, nếu nhiều ruột quá có thể bóc bớt ruột ra trước khi kẹp :D … Tóm lại, chắc chắn bạn sẽ có cách để làm ra được một ổ bánh mỳ mình thích ^^
Hôm nay, tớ xin được chủ yếu hướng dẫn cả nhà cách làm một ổ bánh mỳ Việt làm sao cho thật ngon với những loại nhân rất đơn giản: giò (chả) lụa và trứng ốp lếp. Ngoài ra tớ có sử dụng một ít thịt hộp mua sẵn (ai mua được ba tê hộp hoặc tự làm thì cứ tự nhiên sử dụng nhé :D) Hiện trên blog đã có công thức và cách làm giò (chả) lụa rồi đây: https://candycancook.com/2014/01/cach-lam-gio-lua-cha-lua/ .
- Nguyên liệu: Về số lượng mỗi nguyên liệu cả nhà có thể tùy thích nên tớ sẽ không ghi ra nhé.
- Bánh mỳ Pháp (loại Bolillo)
- Trứng
- Giò (chả) lụa
- Bơ (Tớ dùng bơ thực vật ít béo)
- Thịt hộp hoặc ba tê hộp (hoặc ba tê tự làm) (tùy chọn)
- Rau mùi (ngò)
- Dưa chuột
- Đồ chua (củ cải muối sổi) – công thức và cách làm: https://candycancook.com/2014/10/do-chua-cu-cai-muoi-soi-chua-ngot/
- Tương ớt (loại tương ớt ăn với bánh mỳ ngon nhất là loại tương ớt phải hơi chua chua nhé cả nhà :D)
- Cách làm: Món bánh mỳ kẹp này sẽ giống và ngon như ngoài hàng nếu bánh được nướng lại bằng lò trước khi kẹp.
- Đầu tiên bật lò để làm nóng lò ở nhiệt độ 350 độ F (177 độ C).
- Trong lúc lò đang được làm nóng thì cũng bật bếp làm nóng chảo ở lửa to vừa (med – hi) rồi cho một ít dầu ăn (khoảng ½ teaspoon) vào chảo. Đập 1 quả trứng một vào chảo để làm trứng ốp lếp. Thông thường nhiều người sẽ không lật trứng ốp lếp nhưng vì sẽ kẹp vào bánh mỳ và tớ thích ăn trứng lòng đào để khi cắn bánh mỳ lòng đỏ trứng sẽ quện vào bánh mỳ nên sau khoảng 45 – 60 giây tớ lật trứng để rán mặt thứ 2. Làm như vậy lòng đỏ trứng đào sẽ được giữ bên trong lớp lòng trắng trứng ^^
- Kết hợp vừa làm trứng thì tớ cắt dọc đôi bánh mỳ ra và quết bơ lên một mặt bánh. Quết đều và khá dày một chút vì lát khi ta nướng lại bơ sẽ chảy ra và quện vào bánh mỳ rất thơm. Quết một mặt với thịt hộp hoặc ba tê hộp (không có cũng có thể bỏ qua).
- Sau khi lò đã nóng đều ta xếp bánh mỳ vào một khay nướng rồi cho vào lò nướng. Tắt lò vì ta chỉ cần nướng và tận dụng nhiệt của lò đã nóng là đủ. Để trong lò khoảng 5-7 phút hoặc cho tới khi thấy bánh mỳ nóng, vỏ bên ngoài giòn là được.
- Trong lúc bánh đang ở trong thì thái dưa chuột mỏng, trứng ốp lếp để ra sẵn, thái giò (chả) lụa, chuẩn bị rau mùi rửa sạch và cắt khúc chừng 4 -5 cm. Đồ chua lấy ra để sẵn. Đây là toàn bộ nguyên liệu để kẹp bánh nên khi bánh vừa ra lò, ta sẽ dùng ngay. Vì thế, chuẩn bị sẵn như vậy, bánh kẹp xong ăn liền sẽ rất ngon nhé cả nhà.
- Bánh mỳ đã nóng lấy ra khỏi lò. Để khoảng 1 phút cho bớt nóng, cả nhà sẽ thấy bơ chảy thấm vào bánh mỳ, thịt hộp cũng nóng và chảy quện rất thơm. Lúc này ta đầu tiên ta kẹp 2 lớp giò (chả) lụa, một lớp dưa chuột. Tiếp đến, đặt quả trứng ốp lếp lên, rắc một chút muối, rồi xếp đồ chua và rau mùi vào là xong. Cuối cùng rắc tương ớt là hoàn thành ^^ Dù bạn không ăn cay nhưng tớ tin là cho một chút tương ớt vào bánh mỳ sẽ làm bánh mỳ ngon hơn rất nhiều đấy.
Bánh mỳ lúc kẹp ban đầu có thể sẽ hơi phồng, khi ăn lấy tay đè một chút để nhân kẹp với vỏ thật chắc và tất nhiên bánh mỳ kẹp ăn ngon nhất là lúc nóng vừa nướng và kẹp xong ^^
Bạn cứ thưởng tượng tượng, khi cắn vào miếng bánh mỳ đầu tiên sẽ là nghe một tiếng rộp giòn, vụn bánh mỳ rơi ra từ lớp vỏ. Sau đó, từ từ nhai miếng bánh mỳ sẽ thấy mùi thơm của bơ, thịt hộp; ta thấy được sự thú vị của độ giòn của dưa chuột, đồ chua xen lẫn độ mềm dai của giò (chả) lụa và trứng ốp lếp. Đặc biệt, bánh mỳ việt không thể thiếu được mùi thơm của rau mùi (ngò) đâu cả nhà ạ. Ăn miếng bánh mỳ này không có cảm giác khô khát gì cả vì đó là sự kết hợp tuyệt vời với rau, đồ chua.
Thỉnh thoảng tớ vẫn làm món bánh mỳ này, gói lại để chồng mang đi ăn trưa. Tớ nghĩ đây là một món ăn rất gọn và tiện để mang đi xa. Chồng tớ thì luôn háo hức khi được ăn bánh mỳ Việt, chứ không phải là một cái burger của Mỹ ^^ Vì vậy, nếu có cơ hội bạn hãy thử cắn, rồi nhau chậm một miếng bánh mỳ kẹp như vậy để thấy hết được sự tinh tế của ẩm thực Việt nhé :X
5 bình luận
Trời ơi, nhìn nhỏ cả dãi.Mà mấy người lớn như bố mẹ e thì lại thích bánh mì kiểu baguette chắc tại răng lợi :)), chứ em chì thích bánh mì kiểu VN.Bánh mì kiểu dày đặc ruột như burger chỉ hợp với burger tại nó nhiều sauce, cần có cái đế dày để thầm sauce chứ bành mì VN có đồ chua, rau , kết hợp hoàn hảo cả về vị lẫn texture nên bánh mì Vn muôn nemmm
Thế mới khổ, mình thì lại thích ăn loại bánh mỳ thường thường thôi em nhỉ ^^ Bánh Mỳ VN muôn năm!!!!
À mà hình này chị Candy chụp đẹp hơn hẳn nhé. x
Cám ơn em nhé :X Chắc tại món ăn ngon quá nên có nhiều tâm huyết chụp hơn nữa hihi ^^
[…] có hai cách làm chính. Ba-tê (pate) có thể là loại ba-tê nhuyễn và phết lên bánh mỳ hoặc là loại cắt thành miếng có thể ăn kèm với xôi, hay thậm chí với cơm. […]