Chào cả nhà,
Bắt tay lại với công việc làm và viết blog khiến tớ không khỏi ngỡ ngàng. Sau hơn 3 tháng mà wordpress đã update lên thành giao diện và cách làm mới; chương trình Photoshop chồng mới gài cho tớ cũng chưa thực hành nhiều và vì vậy cũng mày mò không tốn ít thời gian… Tới ngay cả việc tìm kiếm files trong các folders đã được sắp xếp rất quen thuộc mà tớ cũng phải mất vài giây để nghĩ hehe… Duy có viết là lúc nào tớ cũng cảm thấy tuôn trào và sẵn sàng nhất ^^. Một cảm giác tràn trề năng lượng là đây. Vì vậy, tớ lại nỗ lực hết sức để quay trở lại và để trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội nữa chứ hí hí…
Chính vì những sự chậm trễ kĩ thuật từ phía bên tớ nên bài viết này ra đời hơi chậm một chút. Tớ tính là sẽ post bài này sớm sớm để ai đó có thời gian thì cuối tuần có thể vào bếp và làm món bánh Trôi sắc màu này cho gia đình, bạn bè người thân ăn nhân dịp Tết Hàn Thực 3/3. Ấy vậy mà tớ đang gõ những dòng này chính xác là đêm tối ngày thứ 6 mất tiêu rồi :D Thôi, dù muộn còn hơn không và nhất là một khi bài viết đã lên thì lúc nào cả nhà cũng có thể quay lại và cùng tớ làm, thưởng bánh Trôi ở mọi lúc đúng không nào ;)
Số là công thức bánh Trôi và cả bánh Chay thì cũng đã có đầy đủ trên blog nhưng để phục vụ món ăn dành cho quý cậu 3 tuổi – cái tuổi đang muốn ăn bằng cặp mắt nên tớ lại lọ mọ thử pha bột nhiều màu làm bánh Trôi sắc màu cho vui mắt. Niềm vui lớn nhất là khi làm xong cu cậu lao vào ăn ngay và có vẻ như cũng được mãn nhãn lắm :P … Tớ thì vui vì thú thật là lâu lắm mới lọ mọ pha màu mè cho món ăn và đặc biệt lại là pha màu tự nhiên nữa.
Vốn không có nhiều thời gian vì thế tớ chia công đoạn làm bánh ra thành 2 buổi. Trước ngày làm bánh tớ phải cắt đường viên từ thanh đường phên đỏ (giống trong bài viết bánh Trôi trước kia), rồi chuẩn bị pha màu và nhào bột sẵn, cất tủ lạnh và hôm sau chỉ việc làm bánh thôi. Làm như vậy thì sẽ vô cùng thoải mái mà không phải lo lắng gì cả. Số bột tớ làm lần này dư ra thì tớ để lên ngăn đá; vài tuần nữa muốn ăn lại bỏ xuống làm cũng không sao cả. Tớ nghĩ đây cũng là cách hay để tiết kiệm thời gian mà vẫn có thể ăn ngon phải không cả nhà ;)
Đĩa bánh Trôi sắc màu này có 4 màu:
- Màu hồng tím đậm là màu từ củ dền
- Màu vàng là từ bột nghệ
- Màu xanh lá cây là từ bột matcha trà xanh
- Màu cam là từ cà rốt
Cả nhà có thể tham khảo hoặc sử dụng màu thực phẩm hay bất cứ loại rau củ quả nào có sẵn để thay thế pha màu. Nguyên tắc cơ bản là: “Nếu dùng bột để pha màu thì nhào chung với bột hoặc pha với nước rồi nhào bột. Nếu dùng rau củ quả tươi thì tuỳ vào loại khác nhau. Ví dụ củ dền màu rất mạnh chỉ cần luộc là đã ra nước đậm. Trong khi đó, củ cà rốt thì nên luộc chín nhừ rồi xay nát để lấy màu được đậm”.
Ngoài ra, cả nhà yên tâm khi trộn bột màu sắc có thể chưa tươi nhưng khi luộc bánh xong và để nguội thì thường màu sẽ đậm hơn lên rất nhiều đấy ;) Vậy hãy cùng tớ vào bếp và làm nên những đĩa bánh trôi nhiều màu sắc và đầy sáng tạo nhé!
- Nguyên liệu:
- 1 gói Bột nếp (1lb) (Glutinous Rice flour)
- Nước lạnh
- 1 củ dền (khoảng 170 gram)
- 2 củ cà rốt nhỏ (80 gram)
- ¼ teaspoon bột nghệ (tumeric powder)
- ¼ teaspoon bột trà xanh (matcha powder)
- Muối
- Đường viên đỏ (Hoặc thanh đường đỏ và tự cắt thanh viên nhỏ. Tớ thường mua 1 gói về tự cắt và để sẵn trong lo khi nào dùng chỉ cần lấy ra ngay)
- Vừng (mè) rang
- Dừa nạo tươi (nếu có)
2. Cách làm: Cách làm hoàn toàn tương tự cách làm trong bài bánh Trôi tớ đã giới thiệu tại đây: https://candycancook.com/2010/09/cach-lam-banh-troi-nuoc/; vì thế bài này tớ xin trình bày kĩ hơn về cách pha màu bột nhé cả nhà
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái viên rồi cho vào một cái nồi; đổ nước xâm xấp rồi bật bếp đun sôi và nấu liu riu khoảng 10 phút cho cà rốt chín mềm. Tắt bếp để nguội một chút.
- Sau đó, cho cà rốt đã chín vào máy xay (nếu thấy ít nước thì cho thêm một chút) và xay nhuyễn ra. Lọc qua rây để lấy nước màu cam. Nếu ai thích cũng có thể giữ bã cà rốt trộn chung với bột nhưng tớ thử thì thấy trộn như vậy không giúp tăng màu nhiều mà nếu trộn nhiều cà rốt vào thì làm bánh trôi sẽ mất vị truyền thống
- Củ dền gọt vỏ, rửa sạch, thái viên và đổ nước xâm xấp. Bắc bếp lên đun sôi rồi nấu liu riu khoảng 10-15’ cho màu củ dền tiết ra nước. Chắt nước, để nguội. Phần củ dền có thể để ăn :D
Về cách trộn bột:
- Tỉ lệ bột và nước thông thường là: 2 bột: 1 nước. Tuy nhiên, cũng tuỳ thuộc vào bột bạn mua là bột cũ hay mới nên nước có thể suy dịch thêm bớt một chút. Tớ trộn bột lần này là khoảng 1 cup bột với ½ cup nước.
- Dưới hình là tớ đổ nước củ dền vào bột. Bên phải là bột nghệ pha với nước để chuẩn bị pha màu vàng.
- Đong bột rồi từ từ đổ nước chút một vào. Dùng thìa đảo bột trước rồi dùng tay bóp bột. Làm từ từ như vậy thì bột sẽ có tác dụng dai và thấm nước chuẩn hơn. Nếu bạn đột ngột đổ nhiều nước vào thì có thể một lúc sau bột sẽ nhão. Nếu làm bột trắng thì việc này dễ sửa với cách cho thêm bột nhưng nếu muốn pha màu bột đẹp thì bạn nên làm chậm một chút thì sẽ đỡ tốn công pha thêm dung dịch màu tự nhiên nhé.
- Kết quả của tớ là khoảng 1 túi bột 1 lb thì được 4 cục bột với 4 màu như thế này đây. Nếu làm bánh luôn thì cả nhà nặn luôn. Nếu không, có thể cho vào hộp và cất tủ lạnh hôm sau mang ra dùng.
- Khi mang ra từ tủ lạnh, bột nên để về nhiệt độ phòng và nhào lại một chút. Thường là bột sẽ khô vì thời gian bột nghỉ dài thì bột sẽ nở nhiều hơn. Thêm vài giọt nước và nhào bột lại cho dẻo là được nhé cả nhà.
- Trong lúc đấy thì chuẩn bị sẵn một nồi nước sôi để luộc bánh. Một bát nước lạnh (bỏ thêm đá) để bánh nhanh nguội.
- Nặn bánh: Ngắt một cục bột nhỏ, vo viên lại để ước lượng bánh to chừng nào rồi nặn bánh dẹp ra. Để viên đường vào giữa rồi túm bột lại và dùng 2 tay xoa vào nhau vê tròn là được.
Cách luộc bánh:
- Bánh nặn tới đâu thì luộc tới đó thì sẽ giúp cho bánh tròn hơn. Thả bánh vào nồi nước đã chuẩn bị sẵn (Lưu ý: giữ lửa liu riu) và cho một lúc bánh nổi lên là bánh chín. Đúng như trong bài thơ của Hồ Xuân Hương: “Bảy nổi ba chìm với nước non”.
- Dù màu sắc khác nhau nhưng tớ thử luộc các màu cùng một nồi thì màu bánh ra vẫn giữ được khá nguyên vẹn nên tớ nghĩa không cần thiết phải luộc riêng từng nồi cho từng màu.
- Vớt bánh chín ra rồi để vào bát nước lạnh một lúc cho bánh nguội hẳn và giữ được hình dạng đẹp. Sau đó, vớt bánh xếp vào đĩa nhỏ. Rắc vừng, dừa tươi lên là đã hoàn thành rồi.
Ta đa, một đĩa bánh quá đẹp, quá hấp dẫn và đặc biệt là làm chẳng khó tẹo nào ;) Ai lười mà trong nhà có sẵn bột nghệ hay bột trà xanh thì đã có 2 màu tươi đẹp rồi đó ^^ Bánh Trôi ăn nguội trong Tết Hàn Thực hay được thưởng thức bất cứ lúc nào trong năm cũng đều thích. Miếng đường nếu được luộc quá lửa hay để nguội lâu mà chảy ra, khi cắn miếng bánh mềm dẻo mà lại ngọt ngào cộng thêm được mãn nhãn nữa thì có lẽ không còn gì bằng.
Chỉ buồn cười khi vừa làm vừa kể cho con nghe về câu chuyện “Sự tích tết Hàn Thực” thì con lại hỏi:” Sao thời đấy không có xe cứu hoả ạ?” … Bỗng nhiên, trong lòng tớ cảm thấy vô cùng biết ơn vì nhờ con mà tớ đã thấy được cuộc sống hiện tại bây giờ có quá nhiều thứ đang để trân trọng đấy chứ – những thứ tưởng chừng như nó vẫn luôn ở đó và ta luôn coin ó là hiển nhiên.
Mùa xuân thêm màu sắc cùng đĩa bánh Trôi thế này hẳn ai cũng sẽ phấn chấn lên nhiều! Chúc cả nhà cuối tuần thật vui nhé <3
Nguyên liệu
- 1 gói Bột nếp (1lb) (Glutinous Rice flour)
- Nước lạnh
- 1 củ dền (khoảng 170 gram)
- 2 củ cà rốt nhỏ (80 gram)
- ¼ teaspoon bột nghệ (tumeric powder)
- ¼ teaspoon bột trà xanh (matcha powder)
- Muối
- Đường viên đỏ (Hoặc thanh đường đỏ và tự cắt thanh viên nhỏ. Tớ thường mua 1 gói về tự cắt và để sẵn trong lo khi nào dùng chỉ cần lấy ra ngay)
- Vừng (mè) rang
- Dừa nạo tươi (nếu có)
Cách làm
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái viên rồi cho vào một cái nồi; đổ nước xâm xấp rồi bật bếp đun sôi và nấu liu riu khoảng 10 phút cho cà rốt chín mềm. Tắt bếp để nguội một chút.
- Cho cà rốt đã chín vào máy xay (nếu thấy ít nước thì cho thêm một chút) và xay nhuyễn ra. Lọc qua rây để lấy nước màu cam.
- Củ dền gọt vỏ, rửa sạch, thái viên và đổ nước xâm xấp. Bắc bếp lên đun sôi rồi nấu liu riu khoảng 10-15’ cho màu củ dền tiết ra nước. Chắt nước, để nguội.
- Về cách trộn bột:
- Tỉ lệ bột và nước thông thường là: 2 bột: 1 nước. Tuy nhiên, cũng tuỳ thuộc vào bột bạn mua là bột cũ hay mới nên nước có thể suy dịch thêm bớt một chút. Tớ trộn bột lần này là khoảng 1 cup bột với ½ cup nước.
- Đong bột rồi từ từ đổ nước chút một vào. Dùng thìa đảo bột trước rồi dùng tay bóp bột. Làm từ từ như vậy thì bột sẽ có tác dụng dai và thấm nước chuẩn hơn. Nếu bạn đột ngột đổ nhiều nước vào thì có thể một lúc sau bột sẽ nhão. Nếu làm bột trắng thì việc này dễ sửa với cách cho thêm bột nhưng nếu muốn pha màu bột đẹp thì bạn nên làm chậm một chút thì sẽ đỡ tốn công pha thêm dung dịch màu tự nhiên nhé.
- Nếu làm bánh luôn thì cả nhà nặn luôn. Nếu không, có thể cho vào hộp và cất tủ lạnh hôm sau mang ra dùng.
- Khi mang ra từ tủ lạnh, bột nên để về nhiệt độ phòng và nhào lại một chút. Thường là bột sẽ khô vì thời gian bột nghỉ dài thì bột sẽ nở nhiều hơn. Thêm vài giọt nước và nhào bột lại cho dẻo là được nhé cả nhà.
- Trong lúc đấy thì chuẩn bị sẵn một nồi nước sôi để luộc bánh. Một bát nước lạnh (bỏ thêm đá) để bánh nhanh nguội.
- Nặn bánh: Ngắt một cục bột nhỏ, vo viên lại để ước lượng bánh to chừng nào rồi nặn bánh dẹp ra. Để viên đường vào giữa rồi túm bột lại và dùng 2 tay xoa vào nhau vê tròn là được.
- Luộc bánh:
- Bánh nặn tới đâu thì luộc tới đó thì sẽ giúp cho bánh tròn hơn. Thả bánh vào nồi nước đã chuẩn bị sẵn (Lưu ý: giữ lửa liu riu) và cho một lúc bánh nổi lên là bánh chín. Đúng như trong bài thơ của Hồ Xuân Hương: “Bảy nổi ba chìm với nước non”.
- Dù màu sắc khác nhau nhưng tớ thử luộc các màu cùng một nồi thì màu bánh ra vẫn giữ được khá nguyên vẹn nên tớ nghĩa không cần thiết phải luộc riêng từng nồi cho từng màu.
- Vớt bánh chín ra rồi để vào bát nước lạnh một lúc cho bánh nguội hẳn và giữ được hình dạng đẹp. Sau đó, vớt bánh xếp vào đĩa nhỏ. Rắc vừng, dừa tươi lên là đã hoàn thành rồi.
Lưu ý
Bánh Trôi ăn nguội và có thể để qua đêm 1 ngày
Tóm tắt cách làm trên kênh Youtube của CCC: